Đã nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị, thu hút được các bệnh nhân trước kia phải ra nước ngoài để điều trị, góp phần làm giảm tỷ lệ chảy máu ngoại tệ hàng tỷ đô la mỹ mỗi năm. Các kỹ thuật tiên tiến nổi bật sau:

Lĩnh vực chẩn đoán và điều trị

Kỹ thuật ghép tạng: Đây là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong y học. Kỹ thuật ghép thể hiện không chỉ trình độ công nghệ cao mà còn đánh giá sự phát triển đồng bộ của các chuyên ngành trong lĩnh vực y, dược học. Một số cơ sở y học đã triển khai kỹ thuậ này là :Học viện Quân y, Bệnh viện đa khoa TW Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp mạch: Đến nay trình độ can thiệp mạch trong lĩnh vực tim mạch ở nước ta đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, tính riêng can thiệp mạch cấp cứu đã cứu sống trung bình 200-250 ca/năm, từ khi kỹ thuật này được đưa vào ứng dụng; Điều trị can thiệp các bệnh tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, rò động mạch, hẹp động mạch) đã điều trị thành công 1500 bệnh nhân. Kỹ thuật can thiệp mạch cũng được ứng dụng trong điều trị ở các cơ quan khác như: cơ quan tiêu hóa, hô hấp, thần kinh, sinh dục,…

Phát triển các kỹ thuật nội soi và vi phẫu thuật nội soi trong chuyên khoa thần kinh sọ não, tai mũi họng, nhãn khoa, tiêu hóa, phẫu thuật cắt tử cung qua nội soi ổ bụng, chẩn đoán và điều trị bệnh lý nội mạc tử cung bằng nội soi buồng tử cung, phẫu thuật cột sống bằng công nghệ laser và nội soi.

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, các kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sau sinh, các kỹ thuật chẩn đoán được nghiên cứu,ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị. Với việc làm chủ các kỹ thuật này, đã góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán sớm nhiều bệnh nguy hiểm mà trước đây còn gặp khó khăn như ung thư, chẩn đoán trước sinh,… trong khi các kỹ thuật xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch, huyết học, chẩn đoán hình ảnh trước đây không thể chẩn đoán được.

Các quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân là hướng nghiên cứu mới điều trị các bệnh suy tim nặng sau nhồi máu cơ tim, bệnh nhân ung thư máu và bệnh nhân bỏng …với hiệu quả cao, chi phí thấp hơn rất nhiều khi ra nước ngoài điều trị.

Lĩnh vực y học dự phòng

Khoa học công nghệ đã giúp việc phát hiện sớm, khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật sinh học phân tử mới được nghiên cứu ứng dụng giúp chẩn đoán nhanh các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và thậm chí chẩn đoán các gen kháng thuốc, sản xuất ra các kit phục vụ cho chẩn đoán. Việc nghiên cứu dịch tễ học phân tử của các tác nhân này còn giúp chúng ta tiên lượng và phòng bệnh.

Công tác phòng chống vi sinh vật, ký sinh trùng, côn trùng gây bệnh đã tập trung vào nghiên cứu kỹ thuật giám sát các loại hoá chất bảo vệ thực vật trong môi trường, trong các mẫu sinh học và đồ gia dụng; Đánh giá được biến đổi nhiễm sắc thể, AND, gen dưới tác dụng của hoá chất, bức xạ trong môi trường, hoá chất gia dụng; Xác định tổn thương vi thể, siêu vi thể trong nghiên cứu các bệnh nghề nghiệp, bệnh mới phát sinh do môi trường; Xác định sớm các rối loạn chức năng (thần kinh, tâm thần, tim mạch, nội tiết, cơ khớp, tiêu hoá…) do ảnh hưởng của điều kiện lao động và học tập; Xác định các hình thái cấu trúc và phân loại các vật chất dạng hạt, dạng sợi như bụi amiăng, bụi silic liên quan đến độc tính của chúng.

Hiện nay, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công được 10 loại vắc xin cho tiêm chủng và được xếp vào danh sách cách các nước có thế mạnh trong sản xuất vắc xin trên thế giới.

Công tác nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm:

Công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực dược, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế và các dịch vụ y tế đã góp phần chuẩn hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ theo hướng hài hoà quốc tế. Sản phẩm đặc biệt là Dược điển Việt Nam với gần 1500 tiêu chuẩn, được quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Đảm bảo duy trì và nâng cao hiệu quả của cơ quan hoạt động hỏi đáp, 7 điểm hỏi đáp của hệ thống hàng rào kỹ thuật trong thương mại ngành y tế. Hướng tới hòa hợp quốc tế về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cung cấp hàng hóa sản xuất trong nước.

Định hướng xây dựng và thực hiện chỉ tiêu 40% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực của ngành xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất chất lượng.

Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển khai thác nguồn gen

– Đã xây dựng được hệ thống và mạng lưới bảo tồn nguồn gen cây thuốc với sự tham gia của 30 cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành Y tế, các viện, trường và các doanh nghiệp. Điều tra cơ bản cây thuốc của trên 20 dân tộc khác nhau và xây dựng được danh mục 3.948 loài cây, con và nấm làm thuốc ở Việt Nam.

– Bước đầu xây dựng được hệ thống bảo tồn nguyên vị, gồm 30 vườn quốc gia, 60 khu bảo tồn thiên nhiên, 38 khu bảo vệ cảnh quan với tổng diện tích hơn 2,4 triệu ha, đã bao phủ được khoảng 90% số loài có trong sách đỏ Việt Nam.

– Xây dựng được hệ thống bảo tồn chuyển vị, lập danh mục và lưu giữ 730 loài cây thuốc cần bảo tồn theo 4 cấp độ. Bổ sung danh mục các cây thuốc có nguy cơ tiệt chủng vào sách đỏ Việt Nam; đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu các cây thuốc trong hệ thống bảo tồn; đánh giá khả năng lưu giữ trong kho lạnh của 150 loài cây thuốc.

Đang thử nghiệm mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng và bảo tồn thông qua phát triển và thương mại hóa. Bước đầu nghiên cứu khai thác nguồn gen cây thuốc có giá trị kinh tế cao nhằm phát triển nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp dược.

– Thông qua hoạt động bảo tồn và lưu giữ: Bước đầu đã đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ bảo tồn cây thuốc ở Việt Nam. Đã được xác lập, duy trì và phát triển hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia) và trên thế giới (Mỹ, Anh, Australia). Xuất bản được 5 đầu sách về phương pháp nghiên cứu và kinh nghiệm bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc.

Lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế

Nghiên cứu khai thác dược liệu và các bài thuốc cổ truyền được ưu tiên trong đầu tư nghiên cứu, phát triển, nhiều loại cây thuốc, bài thuốc được nghiên cứu hệ thống tạo sản phẩm có giá trị chữa bệnh với giá thành thấp: Cây thuốc Trinh nữ hoàng cung đã được nghiên cứu chứng minh tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư và hiện đại hóa dạng thuốc viên Crila để lưu hành; Cây Thìa canh được nghiên cứu sản xuất sản phẩm diabetna hỗ trợ chữa đái tháo đường; Cây Thanh hao hoa vàng tiếp tục được nghiên cứu chọn lọc giống cho hàm lượng Artemisinin cao, sản phẩm Artemisinin;Cây Thông đỏ được nghiên cứu trồng, chọn lọc giống và chiết xuất thành công các hoạt chất chữa ung thư với hàm lượng cao.

Công nghệ tổng hợp, bán tổng hợp đã được triển khai tiếp cận trình độ các nước tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có giá thành thấp, cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại: Sản phẩm Fluoraphin (5FU) được nghiên cứu tổng hợp điều trị ung thư thành công; Sản phẩm Artemissinat được nghiên cứu bán tổng hợp từ Artemisinin đã xuất khẩu đi một số nước.

Một số công nghệ bào chế mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất công nghiệp dược: Công nghệ đông khô, công nghệ sinh khối tế bào, công nghệ chiết xuất siêu tới hạn. Các dạng bào chế hiện đại đang được nghiên cứu bước đầu nhằm tăng hiệu quả điều trị, cạnh tranh với thuốc nhập ngoại như: vi nang, vi cầu, liposome, nano, thuốc giải phóng kéo dài,…

Nghiên cứu về trang thiết bị y tế giai đoạn 2006-2010 tập trung chủ yếu làm chủ công nghệ sản xuất các thiết bị y tế đơn giản phù hợp với trình độ công nghệ hiện tại, đồng thời tiếp cận làm chủ các công nghệ tiến tiến sản xuất các trang thiết bị y tế hiện đại.